ADS 468x60

Hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng.

Luôn nhớ rằng tất cả chỉ là bắt đầu...

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

Thượng sách của im lặng

 Thời gian gần đây báo chí xôn xao về chuyện "khỏa thân vì môi trường" của cô người mẫu và anh họa sĩ nhà mình. Dù đó có là một "hành động nghĩa hiệp" bảo vệ môi trường thật hay chỉ đơn giản là pr bản thân thì họ ít nhất cũng đạt được mục đích của mình đó là được rất nhiều người biết tới, tất nhiên là "bảo vệ môi trường" cũng cần nhiều người biết rồi. "Sự kiện" này mình sẽ xếp vào hình thức marketing gây sốc - ở Việt Nam thì khỏa thân còn rất mới mẻ, và cũng không phù hợp vs nền văn hóa của nước ta vì vậy mình thấy đây là hình thức hợp lý nhất. Dưới đây mình xin chia sẻ bài viết của tác giả Phan Đăng - tạp chí Tuổi Trẻ để mọi người có cái nhìn rõ hơn về cách mà chúng ta tham gia "tự nguyện" vào hình thức marketing này như thế nào.
1. Tôi nghĩ mình đã mắc mưu cái cô người mẫu đột nhiên khỏa thân rồi giải thích là “khỏa thân vì môi trường” khi ngồi viết những dòng này. Mắc mưu là bởi khi quyết định “khỏa thân” có lẽ cô người mẫu chỉ đợi tôi và những nhà báo như tôi ngồi viết về cô ta.
khỏa thân, bảo vệ môi trường, ngọc quyên
Bộ ảnh khỏa thân "bảo vệ môi trường". Đang gây sự chú ý lớn trong xã hội.
Xin nhấn mạnh là chỉ dừng ở chỗ “viết về cô ta” thôi nhé, còn viết để xưng tụng, ngợi ca hay để chỉ trích, bài bác, viết bằng sự nhiệt thành, tâm huyết hay bằng thói mỉa mai giễu cợt, tất cả đều không quan trọng. Với nhiều cô cậu đang muốn làm nghệ sĩ, cái quan trọng là mình được người ta viết, người ta bàn tán để cái tên vốn chẳng mấy ai biết của mình được nổi tiếng - thế là đạt mục đích rồi!
Nghĩ thế nên ngay từ khi câu chuyện “khỏa thân vì môi trường” xuất hiện, tôi - trong tư cách một nhà báo - đã tự nhủ là sẽ im lặng vĩnh cửu, giống như sự im lặng mà truyền thông nước ngoài (kể cả những nền truyền thông bị mang tiếng là “lá cải”) vẫn luôn im lặng khi thấy những cô cậu người mẫu trình độ tầm tầm bỗng nhiên...khỏa thân trên phố. Nhưng rồi cuối cùng tôi đã phải chấp nhận bị mắc mưu, dù biết rằng đấy là một vụ mắc mưu đau đớn.
Tại sao lại chấp nhận ư? Tại vì ngay sau vụ này lại đã có một vụ khỏa thân vì môi trường của một anh họa sĩ khác làm cư dân mạng nháo nhào.
2. Từ vụ khỏa thân “ăn theo” của anh họa sĩ, chợt hỏi: Liệu có không nguy cơ sẽ xuất hiện cả một trào lưu khỏa thân trong giới nghệ sĩ nhà mình? Và nếu có (nghĩ đến cảnh này mà rùng rợn!) thì những công chúng trẻ tuổi liệu sẽ bị tác động tâm lý như thế nào?
Khi ấy, tôi đồ rằng trong não trạng những đứa trẻ sẽ xuất hiện một nhận thức nguy hiểm rằng: Bây giờ, bên cạnh việc chăm lo học hành thì một trong những cách vào đời tốt nhất và dễ nổi tiếng nhất là hãy... khỏa thân?
Thật ra, một hai người đầu tiên “khỏa thân vì môi trường” còn khiến người ta chú ý, chứ khi người người đua nhau “vì môi trường” kiểu này thì sự chú ý sẽ giảm đi nhiều. Nhưng trong khi số lượng những người “khỏa thân vì môi trường” vẫn nằm trong mức độ có thể gây sức hút, thì chúng ta buộc lòng phải nhìn rõ những tác hại thê thảm của hành động này.
Năm 2007, trước việc những dòng sông băng ở Thụy Sĩ bị tan chảy, hàng trăm người dân Thụy Sĩ đã khỏa thân ở ngay dòng sông đó để kêu gọi mọi người cùng xắn tay cứu dòng sông.
Như thế, việc khỏa thân vì môi trường đã diễn ra ở chính cái nơi mà môi trường đích thực cần bảo vệ. Nó khác 100% so với việc cô người mẫu ở ta đã săn lùng một trong những địa điểm đẹp nhất tại rừng núi Mộc Châu để mà khỏa thân. Lựa chọn này đích thực phải gọi là xúc phạm môi trường!
3. Song như đã nói, khi chúng ta ngồi kết án cô ta, cũng như đã từng (và có thể là sẽ tiếp tục) kết án hàng loạt vụ xìcăngđan khác trong giới nghệ sĩ thì có lẽ chúng ta cũng đã mắc mưu họ rồi. Thế thì phải làm gì mới không bị... mắc mưu?
Cô người mẫu hay anh họa sĩ, hay ai đó nữa thích khỏa thân thì cứ việc (bởi xét cho cùng đấy là quyền của họ), nhưng nếu những hình ảnh khỏa thân ấy không được ào ào đưa lên mạng, nếu cái hiện tượng khỏa thân ấy không được truyền thông xầm xì mổ xẻ, nếu cái mục tiêu rất cao cả là “khỏa thân vì môi trường” ấy không được dư luận bàn tán thì chắc chắn những hành động khó coi đó chẳng có cơ hội để “vang danh”.
Tất nhiên, khi chuyện đã xảy ra thì không thể ngồi đó mà ước ao theo kiểu: ước gì người ta sẽ không ồn ào mổ xẻ một vụ tai tiếng như thế. Nhưng ước vậy cũng chẳng thừa, bởi nó sẽ cho ta một bài học để từ nay về sau nếu có nghệ sĩ nào đột nhiên khỏa thân “vì môi trường” thì ta cũng biết cách mà ứng phó. Mà cách ấy đơn giản lắm: một là cứ tảng lờ, hai là hãy cứ liếc qua (nếu thích) nhưng liếc rồi hãy cùng nhau tuyệt nhiên im lặng.
Tin tôi đi, khi chúng ta đồng loạt im lặng thì ngay cả khi môi trường có yêu cầu các nghệ sĩ hãy khỏa thân để cứu môi trường chăng nữa thì họ rồi cũng sẽ... mặc quần áo như thường mà thôi (?).

0 comments:

Đăng nhận xét