ADS 468x60

Hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng.

Luôn nhớ rằng tất cả chỉ là bắt đầu...

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

9 loại hình để khởi nghiệp kinh doanh trên mạng

 thương mại điện tử, kinh doanh trên mạng

Mặc dù thời kỳ bùng nổ của các công ty dotcom đã qua, nhưng cơ hội kiếm tiền trên Web vẫn còn rất lớn. Vấn đề là bạn phải biết tìm cơ hội đó ở đâu. Sau đây là gợi ý về 9 lĩnh vực kinh doanh khả thi mà bạn có thể bắt đầu ngay từ hôm nay, được đúc rút từ kinh nghiệm của các công ty hoạt động trong lĩnh vực TMĐT thành công trên thế giới.

1. Nhận giao hàng
Có lẽ bạn không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tạo dựng cơ nghiệp bằng cách chạy quanh thành phố và giao các món hàng cho mọi người. Thế nhưng nhiều người đã thu được hàng triệu USD từ dịch vụ này.
Ross Stevens, người sáng lập và giám đốc điều hành công ty Urbanfetch Inc., cho biết: "Mọi người thường không thích chờ đợi lâu sau khi đặt mua hàng hoá trên mạng. Chính vì thế, chúng tôi thấy đây là cơ hội lớn để cung cấp một dịch vụ mà khách hàng có thể nhận mọi thứ trong cùng ngày đặt hàng, thậm chí là trong cùng giờ đặt hàng".
Hiện nay, công ty có trụ sở tại New York này đang cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí trong vòng một giờ đối với nhiều loại hàng hoá, từ đồ tiêu dùng lặt vặt cho đến đồ điện tử, phạm vi là trong khắp thành phố New York. Dịch vụ này đã đánh trúng nhu cầu của những cư dân bận rộn của New York. Doanh số ngay trong năm đầu tiên của công ty vào khoảng 30 triệu USD.
Urbanfetch xác định rõ mục tiêu của mình là bán hàng qua mạng. Công ty tích trữ hàng tại các khu vực chi phí thấp trong thành phố, nhờ đó họ tiết kiệm được chi phí thuê cửa hàng tại các khu phố sang trọng.
Theo đánh giá về tốc độ tăng trưởng của dịch vụ giao hàng tại nhà, lĩnh vực này đang có rất nhiều cơ hội cho những người mới khởi nghiệp. Chuyên gia Christopher Kelley của Forrester Research cho rằng những người mới khởi nghiệp nên chú trọng đến việc đóng gói và giao hàng từ một trung tâm thư tín địa phương đến nhà của khách hàng, hoặc thiết lập các mối quan hệ và nhận giao hàng cho các nhà kinh doanh địa phương.
2. Bán đồ thể thao
Nghiên cứu của Jupiter Communications cho rằng lĩnh vực thể thao trên mạng có thể là một trong những phân đoạn mới quan trọng nhất của thị trường tiêu dùng trên Web. Hiện nay, khách hàng trên mạng xếp hạng thể thao là một trong 5 nội dung ưa thích nhất của họ trên mạng và điều này có thể trở thành cơ hội lớn cho TMĐT.
Nếu muốn thành công trong lĩnh vực thể thao, có một mảng mà bạn nên chú ý đến là trang phục, dụng cụ thể thao dành cho phụ nữ. Bạn có thể tham khảo Lucy.com, một Website rất thành công nhờ cung cấp đồ thể thao cho giới nữ và và hiện đang dẫn đầu thị trường này.
3. Tư vấn qua mạng
Nếu bạn có một nền tảng vững về tư vấn bạn có thể sử dụng các kỹ năng tư vấn của mình để kiếm tiền qua Web. Tư vấn qua mạng là cung cấp lời khuyên cho khách hàng thông qua Internet, thay vì các nhân viên tư vấn trực diện.
Theo nhận xét của IDC, tư vấn qua mạng là một thách thức lớn đối với các hãng tư vấn truyền thống, do mô hình này rất thích hợp với thị trường biến đổi liên tục trên Internet. Hiện nay, một số ít công ty lớn đã bắt đầu bước vào lĩnh vực này. Tuy nhiên những công ty này, như Ernst & Young và IBM, nhằm vào các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp và những tổ chức kinh doanh lớn khác, bỏ qua thị phần các doanh nghiệp nhỏ cho những nhà tư vấn mới khởi nghiệp.
"Một nhà tư vấn đã làm việc nhiều năm cho một công ty lớn có thể tiến hành mở dịch vụ tư vấn qua mạng, đặc biệt là nhằm vào đối tượng kinh doanh vừa và nhỏ", Sophie Mayo, Giám đốc chương trình của IDC nói. Tuy nhiên, những công ty mới nên thiết lập thêm phần giao tiếp trực diện để xây dựng mối quan hệ liên tục với khách hàng.
4. Đấu giá trên mạng
Tại sao bạn không tham gia vào thị trường đấu giá đang sôi động trên mạng? Có 3 từ quan trọng nhất là: quan sát, quan sát và quan sát.
Sue Rothberg, nhà phân tích đấu giá cấp cao của Gomez.com cho biết: "Mô hình kinh doanh chi phí thấp nhất cho những người mới khởi nghiệp là kết nối với những đại gia như eBay, Yahoo! hay Amazon. Nên tìm cách gắn hoạt động của mình trên những website đông người truy cập này, điều đó sẽ cho phép bạn xây dựng một thương hiệu và một cơ sở khách hàng mà không cần thực hiện marketing nhiều".
Doanh nhân Richard Birnbaum, 43 tuổi, chủ sở hữu một công ty bán buôn trang phục, có khá nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này. Ông đã tăng gấp đôi doanh số bán hàng kể từ khi đưa danh mục hàng trong website chuyên kinh doanh trang phục của mình Wearamerica.com lên trang eBay. Ông tiết lộ: "Không ở đâu quảng cáo rẻ như eBay".
Ông Birnbaum khuyên, các doanh nghiệp đang dự định tham gia vào lĩnh vực đấu giá nên yêu cầu cam kết đặt tiền trong vài giờ, đồng thời nên dự trữ một danh mục hàng cố định liên tục trong 3 đến 4 tháng để thu hút khoản doanh số ổn định. Đây cũng là một nguyên tắc khi làm việc với dịch vụ quản lý đấu giá.
5. Thanh toán điện tử
Khi giao hàng tại nhà là một ưu điểm lớn của TMĐT, nhưng để thực hiện được điều này cần phải các dịch vụ trên Web cho phép khách hàng nhận và thanh toán phí qua mạng. Dịch vụ thanh toán điện tử cung cấp khả năng lập hóa đơn, giao hàng và thanh toán hoàn toàn thông qua Net.
CyberBills, một công ty cung cấp dịch vụ thanh toán qua mạng, đã phát triển một mô hình kinh doanh kết hợp giữa website bán hàng tiêu dùng của mình StatusFactory.com và một dịch vụ B2B được cung cấp cho các cổng, các ngân hàng, trung tâm giao dịch chứng khoán và các công ty muốn có dịch vụ thanh toán điện tử mang thương hiệu riêng. Giám đốc Điều hành John Simpson đã quyết định thực hiện các dịch vụ gia tăng này để nâng cao doanh số thay vì chỉ bán hàng tiêu dùng, bởi vì phần lớn người tiêu dùng cảm thấy tiện lợi hơn khi xử lý các vấn đề tài chính thông qua các tổ chức đã được tín nhiệm. Các công ty mà CyberBill đang bán lại dịch vụ gồm có Intuit và AOL.
Simpson cho rằng dịch vụ thanh toán qua mạng có thể khó thâm nhập và thành công trong giai đoạn này của Internet, bởi vì nhiều công ty đi trước đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với các tổ chức lớn hơn. Ông gợi ý rằng người mới khởi nghiệp nên đóng vai trò là người bán lại dịch vụ thanh toán sẵn có trên website của mình, trước hết là để giữ khách hàng trở lại với website.
6. Trung tâm chăm sóc sức khoẻ
Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ qua mạng đang phát triển rất nhanh và có thể sẽ bùng nổ trong vài năm tới. Jupiter Communications dự tính doanh số của ngành chăm sóc sức khoẻ qua mạng năm 2004 đạt 11 tỷ USD.
Một nghiên cứu khác của Jupiter cho thấy 49% người được phỏng vấn không mua thuốc qua mạng vì họ có thể dễ dàng mua thuốc tại các cửa hàng gần nhà khi đi mua sắm lặt vặt. Điều này giải thích tại sao các website cung cấp các sản phẩm truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Có một giải pháp dành người khởi nghiệp: cung cấp các món hàng chăm sóc sức khoẻ thật đặc biệt, khó tìm thấy trong các cửa hàng thuốc thông thường. Trang Selfcare.com là một ví dụ tiêu biểu trong việc thu hút các khách hàng có nhu cầu đặc biệt về chăm sóc sức khoẻ. Trang web này cung cấp cả các sản phẩm truyền thống, sản phẩm thay thế và sản phẩm đặc biệt cho người bị dị ứng thuốc, điều chỉnh cân nặng hay các chứng đau kinh niên. Bất cứ ai cũng có thể đến hiệu thuốc và mua aspirin nhưng đâu phải dễ tìm mua các loại thảo dược đặc biệt hay mặt nạ làm đẹp từ tính chẳng hạn.
7. Web Hosting
Không cần phân tích nhiều, ai cũng có thể thấy triển vọng của dịch vụ Web hosting. Nhưng liệu đây có phải là cơ hội tốt với những người mới bắt đầu?
Theo ông Jeanne Schaaf, nhà phân tích cao cấp của Forrester, "Lĩnh vực này không dành cho những người không biết gì về Web hosting, cấu trúc Web, mạng và máy chủ Web. Đây là một loại kinh doanh kỹ thuật cao và đòi hỏi trình độ chuyên môn cao". Nói cách khác, trái với quan điểm thông thường, lĩnh vực này không đơn giản chỉ là đặt hàng loạt máy chủ vào một căn phòng để làm chỗ "trú ngụ" cho các trang web.
Don Fredrickson, Giám đốc Điều hành "got.net" (một công ty cung cấp dịch vụ Internet), cho biết ông dự định tăng cường dịch vụ Web hosting từ mức 15% hoạt động kinh doanh của công ty lên 70% trong 4 năm tới. Fredrickson cho biết, trong khi nhiều khách hàng là các doanh nghiệp, tổ chức lớn đang tập trung vào các trung tâm dữ liệu với mức chi phí từ 5.000 đến 10.000 USD/tháng cho dịch vụ hosting, thì nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn đang rất cần các nhà cung cấp giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo tin cậy. Chẳng hạn, giá dịch vụ hosting cơ bản của got.net là 20 USD/tháng và giá duy trì, quản trị một máy chủ đặt tại trung tâm của got.net là 300 USD/tháng.
Ông Fredrickson cho biết thêm, các doanh nghiệp sẽ đặc biệt thành công nếu họ có một lĩnh vực chuyên môn riêng. Với danh tiếng trong lĩnh vực chuyên môn đó, các khách hàng Web hosting sẽ tìm đến với họ.
8. Cổng mua sắm
Các cổng mua sắm trên mạng không chỉ có lợi nhuận từ việc bán hàng hoá mà còn có khả năng thu hút được rất nhiều quảng cáo và các doanh thu phụ trợ. Một trung tâm mua sắm trên mạng là một website cung cấp danh mục các đường dẫn đến rất nhiều dịch vụ và cửa hàng trên mạng. Các cổng lớn như Yahoo, AOL... chiếm khoảng 40% thị phần, phần còn lại về cơ bản là thị phần dành cho các nhà kinh doanh có cách nghĩ táo bạo và khác biệt, tập trung vào những thị trường khe.
Với những người mới bắt đầu, thông điệp quan trọng nhất là "cách nghĩ táo bạo". Một lĩnh vực đầy hứa hẹn trên mạng là cung cấp văn phòng cho các doanh nghiệp nhỏ. Những trang như Works.com và BizBuyer.com tập hợp những người mới khởi nghiệp cùng nhau để xây dựng giải pháp cho những hoạt động mua sắm quy mô nhỏ. Điều này tạo điều kiện cho họ có thể sử dụng các dịch vụ chi phí thấp của nhau, thay vì phải sử dụng dịch vụ của các công ty lớn hơn. Những công ty này cũng thực hiện việc tự động hoạt động mua sắm của các doanh nghiệp nhỏ.
Đối với các doanh nghiệp, loại hình kinh doanh này thích hợp vì hai lý do: đây là thị trường rất tiềm năng và vì là doanh nghiệp nhỏ nên bạn luôn biết rõ khách hàng của mình.
9. Tìm đúng "thị trường khe"
Với những thị trường phổ biến đã có nhiều tên tuổi lớn chiếm lĩnh, người mới khởi nghiệp thường khó có thể thâm nhập và tồn tại, vì vậy bạn nên tìm riêng cho mình một thị trường đặc biệt và cung cấp cho khách hàng điều gì đó khác biệt. Textbookhound.com là một ví dụ tiêu biểu trong việc tìm đúng thị trường khe. Công ty này cung cấp dịch vụ so sánh giá cả các loại sách giáo khoa dành cho giới học sinh, sinh viên. Không như dịch vụ tìm kiếm mua sắm khác, công cụ tìm kiếm của Textbookhound.com cho phép sinh viên gõ và tìm nhiều loại sách khác nhau cùng lúc. Người sáng lập công ty Philip Kaskawits và đồng sự của mình đã lập kế hoạch phối hợp với các nhà trường để cho phép các giáo sư liệt kê lịch trình các môn học, bài giảng của họ trên website, để giúp sinh viên tìm kiếm sách dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, phần lớn doanh số của Textbookhound.com là từ các hoạt động liên kết: Amazon hay Barnes & Noble sẽ trả cho công ty một khoản phần trăm doanh số bán sách trên trang của họ. Không như các website tư vấn mua sắm khác, Textbookhound.com không liệt kê các cửa hàng theo thứ tự phụ thuộc số tiền mà họ trả cho công ty mà là theo giá thấp nhất mà họ bán cho khách hàng. Kaskawits nói: "Chúng tôi muốn tạo ưu thế hơn hẳn cho khách hàng. Họ sẽ không phải tìm kiếm lâu. Bí quyết thành công của chúng tôi là biết tìm đúng thị trường khe, tạo sự khác biệt, và làm tốt hơn bất cứ đối thủ nào".
Nói tóm lại, cơ hội kinh doanh trên mạng vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Các doanh nghiệp cần biết phân tích nhu cầu thị trường và tìm ra những lợi thế so sánh của mình để đáp ứng tốt nhất đối với một phân khúc thị trường nhất định. Kinh doanh qua mạng, như người ta vẫn nói, là kinh doanh dựa vào sự vào sự thông minh, hiểu biết và nhiều ý tưởng. Điều này càng đúng với các doanh nghiệp nhỏ, những công ty mới khởi nghiệp kinh doanh qua mạng.
< Theo Saga >
Đọc thêm »

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Quảng cáo "chơi dao": Phúc họa khó lường

Khi quảng cáo đang trở nên thừa mứa với người tiêu dùng thì đòi hỏi về những ý tưởng càng trở nên khắt khe. Có những ý tưởng tạo hiệu quả tức thì, ngược lại cũng có không ít mẩu quảng cáo khiến "chủ nhân" khốn đốn.

"Cuộc chiến" mỳ gói mới đây nhất giữa 2 "đại gia" thực phẩm Acecook VN và Masan vẫn đang là tâm điểm khi các thông tin trái chiều về phẩm màu thực phẩm E102 đang khiến người tiêu dùng (NTD) hoang mang.
Mới đây nhất, hai cơ quan của Bộ Y tế là Cục ATVSTP (Bộ Y tế) và Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm VN (Codex VN) đều khẳng định E102 vẫn có tên trong danh mục phụ gia thực phẩm và an toàn nếu sử dụng ở mức độ cho phép. Song "sức nóng" của mẩu quảng cáo mỳ cộng với những thông tin ngược chiều mà các Hội, cựu quan chức ngành y tế hay các doanh nghiệp đưa ra vẫn khiến không ít NTD hoang mang khi lựa chọn mỳ.
Ngoài nỗi lo lắng của NTD, các DN ngành mỳ cũng không kém phần bức xúc khi Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) vẫn chưa có động thái nào phân xử cho khiếu nại về cạnh tranh không lành mạnh.
Theo một đại diện của Acecook VN, sau mẩu quảng cáo mà họ cho là "cung cấp nhận thức sai" cho NTD đó, Acecook VN đã phải có nhiều động thái từ khuyến mãi đến yêu cầu các đại lý đưa ra căn cứ nhằm trấn an người tiêu dùng để hạn chế ảnh hưởng doanh số.
Chính Masan, mặc dù chưa có con số thống kê độc lập nào cho thấy tác động của mẩu quảng cáo lùm xùm này tới doanh số bán ra, song cũng bị không ít NTD tuyên bố tẩy chay sau khi phát hiện các sản phẩm mỳ khác của Masan cũng sử dụng E102, phụ gia mà họ cho là "độc hại", điển hình là mỳ Omachi hay Tiến Vua loại ghi không có transfat.
"Điều nguy hiểm nhất chính là quảng cáo của Masan có thể khiến cả ngành mỳ bị ảnh hưởng, và NTD được cung cấp một nhận thức sai. Hiện ở Việt Nam cả Ủy ban Codex và Cục VSATTP đều khẳng định E102 là an toàn, được phép sử dụng trong ngưỡng, do đó không có lý gì một DN đưa ra thông điệp rằng E102 có hại", đại diện Acecook cho biết.
Cũng trong tháng 6/2011, một quảng cáo khác bị "tuýt còi". Đó là chuyện của Công ty Cổ phần G&P Mama sữa non. Công ty này bị Sở Y tế Hà Nội xử phạt 7 triệu đồng vì "dám" quảng cáo bằng cách so sánh tính năng với... sữa mẹ. 

Sau lần "chơi dao đứt tay" này, "Mama sữa non" vẫn loay hoay tìm niềm tin bằng nhiều kênh thông tin nhưng dường như để trở lại với xuất phát điểm cũng là một thách thức lớn khi NTD đã trở nên cảnh giác hơn rất nhiều.
Trước đó, cũng liên quan đến ngành mỳ, mẩu quảng cáo Mỳ khoai Tây Omachi cũng "nói như đúng rồi" rằng ăn mỳ khoai tây không lo bị nóng. Tuy nhiên, trong thành phần ghi sau gói mỳ cho thấy khoai tây chỉ chiếm tỷ lệ 10g/1kg, tương đương... 1%.

Thành phần chính của "mỳ khoai tây" Omachi vẫn là bột mỳ như mọi loại mỳ khác (và có cả E102, nhưng không ghi rõ tỷ lệ bao nhiêu), nên khiến người tiêu dùng tự hỏi không biết 1% khoai tây trong Omachi có phải là "thánh dược" để giúp loại mì này không gây nóng và không "độc hại"?
Theo nhiều chuyên gia quảng cáo, các mẩu quảng cáo đánh vào tâm lý hoặc nỗi sợ hãi của NTD đang khá "thịnh" ở VN. Tuy nhiên, họ cũng nói rằng đây là con dao hai lưỡi vì chính các DN lắm lúc phải trả giá cho các mẩu quảng cáo của mình.
Theo ông Trần Tấn Minh, Trưởng phòng Marketing của một DN sản xuất hàng tiêu dùng: "Ngày nay khi NTD ngày càng thông thái và có xu hướng "ngộp thở" với quảng cáo, việc vận dụng lý thuyết cũ để tạo ra các ý tưởng mới mẻ càng trở nên sống còn".
Ông Minh cũng thừa nhận xu hướng quảng cáo đánh vào tâm lý, nỗi lo lắng hay bức xúc của NTD đang được nhiều DN trong nước vận dụng. "Các mẩu quảng cáo đó đều gây hiệu ứng lớn, song xét cho cùng thì cái đích cuối cùng là doanh số sản phẩm, hình ảnh thương hiệu có đạt được hay không vẫn nằm ở chính giá trị của sản phẩm và sự trung thực với NTD", ông Minh đánh giá.
< Theo Dantri.com.vn >
Đọc thêm »

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Bỗng nhiên 'giàu sụ' từ những ý tưởng... lãng xẹt

solgan- life is good
Không cần quá xuất sắc như Bill Gates, Larry Ellison, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg, nhiều người vẫn có thể thu về hàng trăm triệu USD nhờ ý tưởng bất chợt từ những câu chuyện nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày. 
"Cuộc sống tươi đẹp"
Công ty bán hàng ngoài trời có trụ sở tại New England cho dán thông điệp lạc quan này lên tất cả các sản phẩm áo phông, bao tay đánh bóng chày và nhiều loại đồ dùng khác.
Chính nhờ khẩu hiệu này mà các sản phẩm của họ được khách hàng đón nhận và đem về con số doanh thu lên tới 24 triệu USD mỗi năm, một con số làm kinh ngạc giới kinh doanh trên toàn thế giới.
Hai nhà sáng lập của “Cuộc sống tươi đẹp” là Bert, 40 tuổi và John Jacob, 36 tuổi. Hai anh em vẫn nhớ khoảng thời gian trước đây, khi thần tài chưa mỉm cười với họ và cuộc sống còn đầy khó khăn. Năm 1994, khi tài khoản ngân hàng của họ chỉ có 78 USD, Bert và John từng phải sống tạm trong một chiếc xe tải thay cho ngôi nhà của mình, chào bán áo phông tới từng trường học, công sở và theo dõi kỹ càng từng đồng xu tiêu đi. Có lần, họ còn bị cảnh sát địa phương đuổi khỏi các khu chợ tạm họp trên đường phố.
Mọi việc bắt đầu thay đổi theo hướng tốt đẹp khi hai anh em xem một bộ phim hoạt hình có nhân vật Jake. Hai người bỗng nảy ra ý tưởng in ảnh nhân vật này kèm với khẩu hiệu "Cuộc sống tươi đẹp" lên các sản phẩm của mình.
Khi những chiếc áo có hình ảnh lạc quan này được khách hàng đón nhận nhiệt tình, anh em Jacob hiểu rằng họ đã dò đúng mỏ vàng. Quả thực, doanh số bán hàng của họ tăng không ngừng. Riêng năm 2010, doanh thu của họ lên tới 100 triệu USD.

Chiếc quần bó Spanx
Sara Blakely là một nữ doanh nhân có khẩu khí mềm mỏng nhưng ý chí sắt đá. Vào những năm 1990, chị đã có 7 năm ròng làm việc bán máy fax. Không chịu nổi áp lực công việc, có nhiều khi chị bật khóc lúc gặp khách hàng tiềm năng phải chạy xe lòng vòng để định thần lại, rồi mới có thể tiếp tục làm việc.
Vào một tối năm 1998, Blakely không hài lòng với trang phục và thử cắt bỏ phần chân của đôi tất da phụ nữ và ý tưởng Spanx ra đời. Với số tiền tiết kiệm 5.000 USD, Blakely nghiên cứu và xin cấp bằng sáng chế cho chiếc chiếc tất quần không chân. Sau đó, chị đi khắp bang Bắc Carolina để đề nghị chủ các nhà máy sản xuất sản phẩm cho chị. Tuy nhiên, hầu hết các chủ xưởng đều lắc đầu và cho rằng sản phẩm kỳ quái này sẽ không được người tiêu dùng chấp nhận.
quần bó sát, quần tất

Cuối cùng, một chủ xưởng quyết định cho cô cơ hội để biến “ý tưởng điên rồ” này thành hiện thực. Và quả thực, ý tưởng này đem đến thành công ngoài mong đợi. Trong ba tháng đầu tiên, chị đã bán được hơn 50.000 sản phẩm.
Và hai năm sau, Spanx Inc. ra đời, sản xuất hơn 200 loại trang phục ôm sát cơ thể, mà nổi trội là Mama Spanx, ôm sát cơ thể từ bụng xuống chân phụ nữ mang thai, đồ bơi và mới đây nhất là Spanx for Men.
Ngày nay, Spanx có doanh số bán lẻ tới 350 triệu USD với 105 nhân viên, cung cấp hàng cho 10.000 tiệm bán lẻ khắp thế giới.
“Từ lâu rồi tôi đã chuẩn bị tinh thần đến ngày nào đó mình có thể làm chủ doanh nghiệp. Vậy nên giây phút tôi cắt đi phần bàn chân của đối tất da và nhìn mình mặc nó trong gương thì tôi nhận ra đó là dấu hiệu cơ hội tôi mong chờ bấy lâu đã đến”, Blakely chia sẻ.
Hãng dọn rác 1-800-Got-Junk
Mùa hè năm 1989, anh sinh viên Brian Scudamore đang xếp hàng chờ lấy bánh tại khu vực phục vụ dành cho khách đi xe hơi của McDonald thì một chiếc xe tải nhỏ đập vào mắt anh. Lấy cảm hứng từ chiếc xe này, Scudamore mua một chiếc xe tải cũ với giá 700 USD để bắt đầu dịch vụ thu dọn phế phẩm cho các gia đình trong vùng Vancouver - một nhu cầu mà anh nhận thấy ngay chính trong gia đình mình cũng như trong những gia đình quen biết. 
dọn vệ sinh, môi trường,Brian Scudamore, 1-800-Got-Junk

Với nỗ lực, Brian dần dần tạo được uy tín cho tên tuổi của dịch vụ The Rubbish Boys của mình. Say mê với công việc do chính mình tạo thành, Brian Scudamore quyết định nghỉ học cho dù cha anh không đồng lòng.
Công việc làm ăn của anh phát triển vào năm 1997 khi anh đã có trong tay 6 xe dọn rác ở Vancouver và hai chiếc ở bang Victoria. Năm 1998, anh đổi tên công ty thành 1-800-Got-Junk và một năm sau đó anh mở chi nhánh đầu tiên ở Canada. Hiện anh có nhiều đại lý ở khắp khu vực Bắc Mỹ và Australia với doanh thu lên tới 105 triệu USD.
Gối ôm hình thú cưng
Thấy cậu con trai cố đè những con thú nhồi bông xuống giường để gối, cô Jennifer Telfer bỗng nảy ra ý tưởng “biến hóa” thú bông thành gối ôm.

Năm 2003, cô Telfer cùng chồng quyết định sản xuất sản phẩm gối ôm hình con thú này và đem bán trên danh nghĩa công ty CJ Products có sẵn của mình. 
 thú ôm, gối ôm,Jennifer  Telfer,CJ Products

Sản phẩm sáng tạo của Telfer được khách hàng tại các shop trong trung tâm thương mại rất ưa chuộng và sau đó tạo nên làn sóng gối ôm hình thú cưng trên khắp thế giới. Năm 2010, những con thú nhồi bông kiêm gối ôm này mang về cho chủ nhân của nó tới 300 triệu USD.
Bia Boston
Dù có truyền thống kinh doanh bia từ thời cha ông nhưng khi các hãng bia sản xuất đại tra, Jim Koch quyết định từ bỏ nghề này. Năm 1984, Koch thấy rằng mọi người bắt đầu đòi hỏi một thứ gì đó khác biệt. Vì thế, anh lại bỏ công việc tư vấn quản lý, tìm lại công thức nấu bia của ông cố nội và bắt đầu nấu thử trong bếp gia đình.
 rượu gia truyền,Jim Koch, Samuel Adams Boston Beer Lager

Sau khi hoàn thành mẫu bia thử nghiệm, ông tới từng quán bar ở thành phố Boston để bán sản phẩm mang tên Samuel Adams Boston Beer Lager này. Công ty của ông hiện là nhà sản xuất bia thủ công lớn nhất, với hơn 30 loại bia khác nhau. Công ty còn giành được vô số giải thưởng quốc tế, nhiều hơn bất cứ sản phẩm bia nào trên thế giới. Doanh thu ròng của công ty trong quý 1/2011 đạt 102,2 triệu USD.
Hãng sản phẩm lau rửa Method
Ý tưởng về sản phẩm lau nhà thân thiện với môi trường đến với Adam Lowry và Eric Ryan khi họ sống cùng với nhau trong một căn hộ ở San Francisco. Họ để ý rằng, mỗi lần dọn nhà sau tiệc tùng, các chất tẩy rửa thường khiến họ bị ho. 
 nước lau nhà, method, thân thiện với môi trường

Khi đó thực sự không có nhiều lựa chọn, phần lớn các sản phẩm lau rửa nhà đều chứa các hóa chất độc hại. Vì thế, Lowry và Ryan cùng nhau nghiên cứu và đưa ra Method vào năm 2000. Đây là một sản phẩm chăm sóc nhà cửa thân thiện với môi trường. 10 năm sau đó, các sản phẩm của họ được bày bán trên các kệ hàng khắp nước Mỹ và đem về doanh thu tới 100 triệu USD.

Đất Việt (Theo CNBC) >




Đọc thêm »

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Sáng tác logo, slogan du lịch không phải thi vẽ, thi viết.

logo- slogan du lich vietnam

Nếu người sáng tác không hiểu biết một cách tường tận chiến lược phát triển du lịch, định vị sản phẩm và thương hiệu du lịch cụ thể, có chiều sâu thì cuộc thi sáng tác biểu tượng, khẩu hiệu du lịch rất dễ biến thành một cuộc thi vẽ cái mình chưa biết rõ, thi viết về cái mình chưa hiểu tốt. 

LTS: Ngay sau khi Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch thông báo không sử dụng logo ngôi sao ngũ sắc và slogan "Sự khác biệt Á Đông" cho du lịch Việt Nam giai đoạn tới, TS. Lương Hoài Nam, Nguyên PCT Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đã gửi tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam bài viết về câu chuyện đi tìm biểu trưng và tiêu đề cho ngành du lịch.

Vẽ cái mình chưa rõ, viết cái mình chưa hiểu?
Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đã có một quyết định đầy trách nhiệm khi chưa phê duyệt việc lấy giải nhất trong cuộc thi sáng tác vừa qua làm biểu tượng và khẩu hiệu chính thức của Du lịch Việt Nam. Không đi sâu vào các ý kiến đa chiều về ý nghĩa của biểu tượng ngôi sao nhiều màu và khẩu hiệu "Việt Nam - Sự khác biệt Á Đông", người viết bài này cho rằng việc sử dụng một biểu tượng tốn đến nửa hộp bút màu mới thể hiện được là chưa phù hợp với xu thế làm thương hiệu hiện đại.
Cách chọn biểu tượng, khẩu hiệu du lịch của ngành du lịch Việt Nam thông qua các cuộc thi sáng tác biểu tượng, khẩu hiệu rất khó mang lại kết quả tốt. Biểu tượng, khẩu hiệu du lịch phải xuất phát từ một chiến lược phát triển du lịch, định vị sản phẩm và thương hiệu du lịch cụ thể, có chiều sâu. Nếu người sáng tác không hiểu biết một cách tường tận những nội dung này thì cuộc thi sáng tác biểu tượng, khẩu hiệu du lịch rất dễ biến thành một cuộc thi vẽ cái mình chưa biết rõ, thi viết về cái mình chưa hiểu tốt.
Khác với bức tranh, một biểu tượng tốt không phải là biểu tượng xem đẹp mắt mà là biểu tượng hiệu quả (ấn tượng, dễ nhận biết, dễ nhớ, dễ liên tưởng đến những giá trị người ta muốn nó thể hiện, dễ sử dụng). Tương tự, khẩu hiệu tốt không phải là khẩu hiệu nghe hay mà là khẩu hiệu hiệu quả. Để đạt được tính hiệu quả trong việc xây dựng biểu tượng và khẩu hiệu, người thực hiện cần phải phối hợp chặt chẽ với những chuyên gia trong ngành du lịch trong cả quá trình tìm tòi, sáng tác, thử nghiệm, điều chỉnh và hoàn thiện.
Vietnam Airlines mất 10 năm (từ 1993 đến 2003) kiên trì hợp tác với hãng Boeing (Mỹ, tài trợ dự án), công ty quảng cáo Perk Communications (Mỹ) và họa sỹ thiết kế Victor Kubo (người Mỹ gốc Nhật Bản) để có được biểu tượng Bông Sen Vàng được sử dụng từ năm 2003 đến nay. Nếu tới đây Hoa Sen được lựa chọn làm Quốc Hoa, biểu tượng Bông Sen Vàng của Vietnam Airlines có thể sẽ sống mãi.
Không kỳ công như Vietnam Airlines, nhưng Viettel cũng đã có một biểu tượng và khẩu hiệu "Hãy nói theo cách của bạn" rất thành công. Viettel không tổ chức cuộc thi sáng tác nào. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó TGĐ Viettel, kể lại thì ông và các đồng nghiệp ở Viettel khi đó có chung một suy nghĩ là "phải thuê một công ty nước ngoài có nhiều kinh nghiệm về thương hiệu để làm". Với quyết định đó, Viettel đã thuê JW Thomson (JWT) - một công ty quảng cáo nước ngoài lớn cho công việc quan trọng này.
Một trong các lý do mà Bộ VH-TT-DL không phê duyệt biểu tượng và khẩu hiệu du lịch lần này là "chỉ có 50-60% người được trưng cầu ý kiến ủng hộ". Nếu vào năm 2003 Vietnam Airlines tổ chức lấy ý kiến rộng rãi thì số người ủng hộ Bông Sen Vàng chưa chắc đạt quá bán do nhiều người (kể cả lãnh đạo nhà nước) đã quá quen và thân thiện với biểu tượng Con Cò được sử dụng từ năm 1990. Đối với một cái mới, số đông chưa chắc đã đúng.
Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp như Vietnam Airlines, Viettel đã hình dung được rõ ràng những giá trị dịch vụ mà họ muốn biểu tượng, khẩu hiệu truyền đạt một cách hiệu quả nhất. Họ kiên trì theo đuổi, tạo ra những giá trị dịch vụ đó, đồng thời thực hiện các chương trình thương hiệu chuyên nghiệp.
Khi chọn khẩu hiệu "Hãy nói theo cách của bạn", Viettel muốn thể hiện giá trị dịch vụ ở việc tôn trọng khách hàng hơn (so với các "ông độc quyền" thuộc VNPT trước khi có Viettel). Những người làm ở Viettel phải thấm nhuần yêu cầu đó, khách hàng của Viettel phải cảm nhận được giá trị dịch vụ đó. Công bằng mà nói, Viettel đã làm rất tốt.
Từ cái nền tới câu chuyện hoàn chỉnh
Trở lại với biểu tượng, khẩu hiệu du lịch, sẽ là sai lầm nếu yêu cầu chúng phải thể hiện được "thế mạnh là du lịch biển, du lịch sinh thái và văn hóa, đối tượng thu hút chính là du khách quốc tế nghỉ dưỡng dài ngày, chi nhiều tiền" như tiêu chí của cuộc thi. Không biểu tượng, khẩu hiệu nào có thể "nói""làm" được nhiều thứ như thế. Biểu tượng, khẩu hiệu trong hoạt động thương hiệu mới chỉ là cái nền để trên đó xây dựng các câu chuyện thương hiệu, trong khi đó những người ra đầu bài ở ngành du lịch lại đòi hỏi bản thân chúng phải là những câu chuyện hoàn chỉnh, có đầu có đuôi.
Cái nền khi Vietnam Airlines chọn Bông Sen Vàng là "vẻ đẹp cao sang mang tính nhân văn sâu sắc", trên đó Vietnam Airlines xây dựng nhiều câu chuyện dịch vụ cao sang khác nhau cho các đối tượng hành khách đi máy bay khác nhau. Cái nền khi Viettel chọn "Hãy nói theo cách của bạn""đi ngược lại truyền thống (độc quyền)", trên đó Viettel xây dựng nhiều câu chuyện chống độc quyền về sự đa dạng các dịch vụ để khách hàng lựa chọn, các gói giá cước rẻ, hệ thống chăm sóc khách hàng "đối thoại hai chiều" đồ sộ, chuyên nghiệp.
Không nên có một biểu tượng mà chỉ có những người làm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa phấn khởi (vì nhìn thấy mình "rõ mồn một" trong đó), còn những người làm du lịch hội nghị, hội thảo (MICE) lại tủi thân (vì không nhìn thấy mình ở đâu). Nên có một biểu tượng mà mọi loại hình du lịch đều có thể lấy nó làm nền để xây dựng câu chuyện thương hiệu của mình. Bản thân các doanh nghiệp du lịch đều có biểu tượng, khẩu hiệu riêng, cái mà họ cần ở biểu tượng, khẩu hiệu du lịch quốc gia là chúng thể hiện các giá trị dịch vụ du lịch chung, nổi trội và "hút khách" của Việt Nam.
Thái Lan chọn cảm xúc du lịch "Ngạc nhiên chưa! (Amazing)" làm khẩu hiệu, người nào muốn ngạc nhiên (ai mà không muốn chứ!) thì hãy đến Thái Lan. Còn các doanh nghiệp ở đây thuộc loại hình du lịch nào thì cũng đều cố gắng mang lại cho du khách cảm giác "ngạc nhiên (tốt)". Philippines chọn cảm xúc du lịch "Ôi chao ôi! (Wow)" cũng theo cách tiếp cận này. Vậy nên, nếu một ngày nào đó ngành du lịch của ta chọn "Vui vẻ chưa!" làm khẩu hiệu thì điều này không có gì là dở nếu như các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, dù thuộc loại hình nào, cũng đều làm cho du khách thực sự vui vẻ một cách lành mạnh.
Tạm kết
Người viết bài này không đề xuất tiếp tục thi sáng tác biểu tượng, khẩu hiệu du lịch. Cách này đã được sử dụng trong những năm qua nhưng chưa mang lại kết quả thỏa mãn. Nên thử nghiệm cách làm mới. Nên lựa chọn một công ty chuyên nghiệp về thương hiệu cùng Tổng cục Du lịch xây dựng Chương trình thương hiệu tổng thể (không phải chỉ là biểu tượng và khẩu hiệu).
Nếu trong những năm tới trọng tâm của Du lịch Việt Nam nhằm vào du khách nước ngoài thì nên sử dụng công ty nước ngoài. Trong quá trình lựa chọn đối tác, đừng yêu cầu biểu tượng phải là ngôi sao, bông sen, cây tre, cái nón..., chỉ yêu cầu họ giới thiệu kinh nghiệm xây dựng, định vị thương hiệu và trình bày phương pháp tiếp cận đối với chương trình thương hiệu của du lịch Việt Nam, nguồn lực thực hiện, tiến độ, ngân sách, cơ chế phối hợp...
Sau khi lựa chọn đối tác, cần đặt niềm tin vào họ và phối hợp, hỗ trợ tối đa. Hy vọng cách làm này sẽ mang lại kết quả tốt hơn cách làm cũ. Nếu chẳng may cuối cùng không đạt được như kỳ vọng thì cũng không nên nặng nề vì tình huống này không phải là hiếm trong lĩnh vực thương hiệu.

TS. LƯƠNG HOÀI NAM (Vef.vn).
Đọc thêm »

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Trào lưu kinh doanh tự cho mình là nhất

Không qua bất kỳ cuộc khảo sát hay bình chọn nào của người tiêu dùng và cơ quan giám định, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp ở Hà Nội vẫn tự phong cho mình ngôi vị nhất trên các phương diện khác nhau.  

 Ngày càng nhiều cửa hàng treo băng rôn quảng cáo khẳng định ngôi vị nhất như rẻ nhất, tốt nhất, đa dạng nhất, nhanh nhất...Việc các đơn vị kinh doanh tranh nhau nhận mình là nhất khiến người tiêu dùng băn khoăn, không biết nên tin đâu mới thực sự là vị trí số một. 

 Một cửa hàng thời trang nhỏ có diện tích chỉ khoảng 30 mét vuông trên phố Trần Hưng Đạo mà chiếm lĩnh đến 3 chữ nhất. Nhân viên bán hàng ở đây cho hay, họ tự thấy sản phẩm có những đặc điểm đó thì trưng biển vậy chứ không cần qua cuộc bình chọn nào cả.

Chỉ riêng trên đường Cầu Giấy đã có gần 5 cửa hàng "khẳng định" mình là nhất. "Rẻ nhất", "Tốt nhất" trở thành khẩu hiệu phổ biến mà các cửa hàng đồng loạt áp dụng để câu khách giữa thời giá cả leo thang.

 Nhiều loại mặt hàng đều được giới kinh doanh gắn với ngôi vị nhất như thời trang, hàng công nghệ...nhưng nhiều nhất các cửa hàng sim thẻ.

 

"Trong khi giá cả cái gì cũng tăng như hiện nay thì điều khiến người tiêu dùng quan tâm nhất là chi phí. Do vậy, những sản phẩm rẻ nhất sẽ lôi cuốn được nhiều khách hàng", một chủ cửa hàng theo trào lưu này lý giải.

 Tuy nhiên, giá cả biến đổi từng ngày nên rất khó để một đia chỉ có thể bán hàng rẻ nhất mãi mãi. Gắn biển "SIm rẻ nhất", song mức giá bán 40.000 đồng mỗi chiếc sim Viettel, tài khoản 115.000 đồng của cửa hàng này còn đắt hơn ở một vài nơi khác. Hiện nay, nhiều địa chỉ kinh doanh loại sim này chỉ được bán với giá 35.000-38.000 đồng.

 Cửa hàng kinh doanh kính mắt trên phố Bà Triệu còn không ngần ngại khẳng định đẳng cấp là hàng đầu thế giới, là số một Việt Nam.

 Không chỉ về giá cả, chất lượng cũng được các doanh nghiệp quan tâm để khẳng định mình là số một. Giữa nhan nhản danh hiệu nhất mà các cửa hàng tự phong, nhiều nơi đã chuyển hóa thành cụm từ mang nghĩa tương đương để tạo điểm nhấn.

 Theo giới đầu tư kinh doanh, khuyến mãi cũng chỉ theo một tỷ lệ nhất định nên vẫn có nơi giảm giá nhiều hay ít. Còn những lời khẳng định mang tính chốt hạ như vậy sẽ dễ thu hút khách hàng hơn. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng lại cho rằng việc các cửa hàng tự phong ngôi vị cho mình mà không có chứng thực của cơ quan chức năng thì điều đó chưa có giá trị tạo niềm tin cho họ.

< Theo VnExpress.Net >


Đọc thêm »

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Apple móc túi người dùng bằng cách nào?

Các tín đồ của Táo khuyết vẫn tiếp tục mê mẩn mỗi khi Apple cho ra đời 1 sản phẩm mới, nhưng ít ai biết rằng, Apple đang bòn rút túi tiền của khách hàng một cách hiệu quả.

Moi tiền bằng dịch vụ gia tăng

Có thể bạn chỉ biết tới Apple như 1 công ty chuyên bán các iDevices bóng bẩy hoặc những chiếc Macbook, Macbook Pro, iMac có giá "khét lẹt". Tuy nhiên chính vì sự nổi trội của mảng phần cứng mà các sản phẩm phần mềm và nội dung số của Apple lại ít được chú ý hơn. Mặc dù ít được chú ý, tuy nhiên việc cung cấp nhạc số trên iTunes Store cũng đem lại cho Apple 1.34 tỉ USD và lợi nhuận từ bán ứng dụng trên AppStore đem lại 786 triệu USD riêng chỉ trong quí 2 năm 2011.

Tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia, tỉ suất lợi nhuận của việc kinh doanh từ iTunes Store và AppStore cũng không thực sự lớn, nhất là việc bán ứng dụng chỉ vượt qua con số 14% đôi chút. Như vậy là còn thấp hơn rất nhiều so với tỉ suất lợi nhuận của Apple là 24%.
Mặc dù đang ăn chia 3/7 với các bên phát triển ứng dụng, nhưng Apple chỉ nhận khoảng 14% trong 30% thu được. Nếu nhân với số tiền 2.6 tỉ USD mà Apple tuyên bố đã trả cho lập trình viên thì lợi nhuận từ AppStore cũng không thực sự lớn.


Vấn đề là ở chỗ iTunes Store, AppStore của Apple tuy không phải là công cụ để Steve Jobs hành nghề "2 ngón" với túi tiền của khách hàng, nhưng chính chúng lại là một chiêu bài câu khách và giữ khách cực kỳ hiệu quả của Táo khuyết. Sử dụng iPod không dám đổi sang Zune hoặc các máy nghe nhạc khác vì thư viện nhạc số trên iTunes đã vượt xa giá tiền mua 1 chiếc iPod mới, hoặc tôi từng quen biết một anh bạn sẵn sàng chuyển từ Android sang iPhone chỉ vì thư viện game của AppStore quá hấp dẫn.
Apple không đặt nặng việc kiếm tiền bằng bán dịch vụ từ AppStore cũng như iTunes Store mà sử dụng chúng như những "cần câu khách".

Thêm vào đó, các dịch vụ kèm thêm sản phẩm của Apple như Apple Care (1 dạng dịch vụ mở rộng thời gian bảo hành) hoặc bắt người sử dụng thay thế linh kiện ngoài chế độ bảo hành đều có giá cắt cổ. Thậm chí ở AppStore, nhân viên bán hàng được dạy 1 chân lý bất di bất dịch: Có thể không định mức bán sản phẩm, nhưng cần định mức bán được dịch vụ đi kèm sản phẩm.

"Chặt chém" khách hàng với các iDevices


Nếu bạn luôn cảm thấy rằng các sản phẩm của Apple bán ra quá đắt so với những thiết bị có cùng cấu hình, chức năng thì đây chính là câu trả lời dành cho bạn: sự thực đúng là như thế.
Chi phí sản xuất 1 chiếc iPad thấp hơn nhiều so với giá Apple bán ra.


Với chiếc HP TouchPad 16 GB vừa mới ra mắt của HP sau khi được các chuyên gia tháo rời linh kiện và định giá thì được cho là sử dụng các linh kiện có giá khoảng 306.9 USD và được bán với giá 499 USD. Cộng với 10$ (giả định) và chi phí sản xuất

Có thể thấy 1 chiếc TouchPad 16 GB sẽ có mất khoảng 317 USD sản xuất (chưa tính phí marketing, nghiên cứu phát triển và các thành phần "râu ria" khác). Như vậy với mỗi chiếc TouchPad xuất xưởng, HP chỉ có thể đút túi 182 USD tương đương với khoảng 36.5 % lợi nhuận/giá bán. Thực tế nếu trừ chi phí phát triển, marketing và các khâu khác chắc chắn con số đó sẽ giảm đi rất nhiều và gần hơn với tỉ suất lợi nhuận trung bình 7.27% ước tính của HP.

Trong khi đó, 1 chiếc tablet tương tự TouchPad là iPad 1 bản 16 GB có chi phí linh kiện chỉ khoảng 219$, cộng với 10$ chi phí sản xuất chúng ta sẽ thấy tỉ suất lợi nhuận trên mỗi chiếc iPad xuất xưởng sẽ là 49%.

Đây chính là nguồn gốc của giá cả cắt cổ mà các iDevices bắt người mua phải trả. Và tồi tệ hơn nữa là các phiên bản có cấu hình càng cao thì Apple lại "móc túi" người sử dụng càng nhiều. Với phiên bản có cấu hình cao nhất 64GB Wifi + 3G, Apple chỉ mất 346.15$ cho mỗi thiết bị xuất xưởng như lại bán tới 829$ một máy (58.2% lợi nhuận).

Những người anh em của nó như iPhone, iPod còn giúp Apple "bòn rút" của người sử dụng hơn thế rất nhiều: iPhone 4 16GB được xác định có giá linh kiện chỉ vào mức 188$ trong khi giá bán phiên bản mở mạng là 600$ (68.7%). Hoặc như chiếc iPod Nano ước tính chỉ mất 49$ cho quá trình sản xuất nhưng lại được bán với giá lên đến 179$ (72.62%).

Đặt cược vào thiết bị cầm tay


Trong khi các thiết bị cầm tay đang chiếm tới 65% doanh số bán hàng của Apple, thì các thiết bị chạy Mac OS X như Macbook Pro, iMac... lại chỉ nắm giữ 1 tỉ lệ khiêm tốn: 20%.
Các thiết bị chạy iOS đang dần lấn át dòng PC chạy Mac OS X truyền thống của Apple trong doanh số, bất chấp việc 1 chiếc laptop hay desktop thường có giá bán cao hơn nhiều so với 1 iDevices.

Sự đổi chiều trong chiến lược kinh doanh của Apple có thể được giải thích như sau: Mac OS X khó lòng đá ngã nổi Windows. Đây là một sự thực không thể chối cãi. Nền tảng của Microsoft hiện vẫn nắm giữ đến gần 90% thị phần hệ điều hành dành cho máy tính cá nhân.

Dù máy tính chạy Mac OS rõ ràng đang có sự tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên ngày mà Mac có thể thay thế Windows có lẽ sẽ không bao giờ đến.

Nếu giá của máy tính chạy Mac quá cao so với các hãng khác, đa số người sử dụng sẽ lập tức quay lưng lại với Mac và trở về với "vòng tay" của Microsoft vì đơn giản là vì những gì mà máy chạy Mac có thể làm được thì PC dùng Windows cũng có thể, điều ngược lại chưa chắc đúng.

Nói 1 cách ngắn gọn, áp lực của Mac OS X không đủ để bắt người dùng ngoan ngoãn móc túi. Nhưng các iDevices thì lại khác. AppStore hiện tại vẫn chưa tìm được đối thủ, thiết kế của các iPhone vẫn là độc nhất vô nhị, sự ổn định của iOS vẫn còn khiến các smartphone Android còn phải đuổi theo dài dài...

Kết quả có thể nhận thấy rõ ràng, chỉ sau có 4 năm kể từ ngày iDevices đầu tiên ra mắt (iPhone ra đời năm 2007), Apple đã đi lên từ chỗ chỉ kinh doanh máy nghe nhạc và PC đã bước lên vị trí nhà sản xuất smartphone và tablet hàng đầu thế giới.
< Theo vietnamnet.vn - tổng hợp từ tinhte >
Đọc thêm »

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Ý tưởng quảng cáo - Doping cho người tiêu dùng

Nhiều người, nhất là trẻ em, không thể rời mắt khỏi tivi trong các chương trình quảng cáo. Slogan của các thương hiệu, các bài hát viết riêng, các thông điệp của nhiều quảng cáo ngay lập tức trở thành “ngôn ngữ đời sống.” Điều gì tạo nên ma lực đó?

Ý tưởng nhân văn

Clip quảng cáo hạt nêm của Nestle trong vòng 30 giây được tung ra đầu tháng 9/2010 khiến cho nhiều người phải ngỡ ngàng. Chỉ chưa đầy nửa tháng phát trên sóng của các kênh truyền hình, nhiều người đã thuộc lòng câu ca dao trong clip đó. Từ trẻ cho tới già, đặc biệt là cánh phụ nữ, dường như an lòng hơn khi ngân nga: “Ai đừng một dạ hai lòng - Đừng chê cơm ngắn - Đừng tham phở dài - Phở dài là của người ta - Cơm ngon canh ngọt mới là vợ anh”.

Trên các diễn đàn, người ta săn lùng clip để xem lại, nhận xét, tán dương ý tưởng quảng cáo hay. Dù nhiều người trong số đó nói rằng, thực sự không nhớ quảng cáo về cái gì nhưng cách lồng ghép câu ca dao dễ thuộc, đánh trúng tâm lý của nhiều người, khiến cho ai một lần xem cũng khó quên. Ông Reshid Qureshi - Giám đốc điều hành Nestle Việt Nam chia sẻ: “Quảng cáo hạt nêm Maggi 3 ngọt thành công ngoài sức mong đợi của chúng tôi. Hình ảnh trong clip được chúng tôi lựa chọn cũng hết sức giản dị và nhẹ nhàng, xoay quanh cuộc sống gia đình bận rộn của nhiều người Việt Nam  hiện nay. Khi xem clip, nhiều người thấy được hình ảnh của gia đình mình trong đó. Đặc biệt lời trong clip mang đậm tính nhân văn, dễ đi sâu vào lòng người”.

Theo ông Reshid, lúc tung ra quảng cáo là lúc hạt nêm Maggi đang phải cạnh tranh với hàng loạt các thương hiệu hạt nêm khác trên thị trường. Nhưng với lượng phủ sóng rộng khắp của quảng cáo khiến cho nhiều bà nội trợ từ trước tới giờ không có khái niệm hạt nêm nay cũng bắt đầu đi mua. Một số lượng lớn khách hàng dùng hạt nêm thương hiệu khác đã đổi sang Maggi 3 ngọt. Lượng tiêu thụ hạt nêm Maggi 3 ngọt đến cuối năm 2010 lên tới 400 tấn/năm.

Bà Dương Quỳnh Trang - Giám đốc Marketing siêu thị Big C cho biết: “Khi quảng cáo tung ra thì khách hàng có cảm tình với hạt nêm hơn. Khách hàng chú trọng hơn tới gia vị cho bữa ăn thêm ngon và chất lượng. Lượng tiêu thụ hạt nêm Maggi cuối năm 2010 tại siêu thị tăng gấp 3 lần so với đầu năm. Chưa bao giờ khách tới siêu thị lại lựa chọn nhiều hạt nêm Maggi đến vậy. Ngay từ đầu năm 2011, chúng tôi nhập 100 tấn hạt nêm Maggi dự trữ và đến hết tháng 5 đã tiêu thụ già nửa. Chúng tôi chuẩn bị nhập thêm 100 tấn nữa cho 6 tháng cuối năm”.

Thêm hai clip quảng cáo vào cuối năm 2010 với thông điệp yêu thương mà hãng Orion tung ra khiến lượng tiêu thụ sản phẩm đó tăng gấp nhiều lần. Lần này, việc lồng ghép những câu hát gắn liền với sản phẩm như: “Nụ cười tròn tròn như bánh Chocopie - Kỷ niệm ngọt ngào như chiếc bánh xinh - Mãi luôn hạnh phúc tháng năm- Cùng nhau ta hát Chocopie - Mãi luôn hạnh phúc tháng năm - Cùng nhau ta hát Chocopie - Orion là Chocopie -Chocopie là Orion” không chỉ khiến lượng tiêu thụ của khách hàng tăng lên vượt bậc mà thương hiệu bánh Orion ngày một khẳng định tại thị trường Việt Nam.

Ông Lee Kyung Jae - Tổng giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Orion Việt Nam cho biết: “Chúng tôi xác định đối tượng của Chocopie là trẻ nhỏ, chính vì thế mà Orion lấy trẻ nhỏ làm nhân vật chính cho quảng cáo của mình. Hai quảng cáo trên đều nhấn mạnh tình cảm giữa người với người, những kỷ niệm giữa hai ông cháu ở bên bờ hồ hoặc tình cảm của hai anh em nhường bánh cho nhau bên quầy viết của ông đồ đã giúp chúng tôi truyền thông điệp yêu thương đến với mọi người thông qua chiếc bánh Chocopie”.

Rõ ràng, khi khán giả xem hai clip quảng cáo của Chocopie thì đều không thấy đề cập tới tính năng của sản phẩm, hàm lượng dinh dưỡng, chất lượng trong cái bánh đó... mà ẩn sâu là giá trị mà nó đem lại cho khách hàng. Một khách hàng lớn tuổi tâm sự: “Từ trước tới giờ tôi rất ít xem quảng cáo trên truyền hình nhưng khi tình cờ xem đoạn quảng cáo bánh Chocopie thì cứ bật ti vi là tôi mong tới quảng cáo đó. Cũng từ đó, gia đình tôi thích mua bánh Chocopie về để thắp hương rồi chia cho các cháu cùng ăn. Tôi cũng rất quan tâm tới chất lượng nhưng thực sự bị cuốn hút bởi những tình cảm trong quảng cáo”.

Slogan vượt thời gian

Mới đây, người Việt Nam hoàn toàn bất ngờ khi biết lượng tiêu thụ bia Heineken trong nước đứng thứ ba thế giới. Ông Michel de Carvalho – Giám đốc thương hiệu Heineken, cho biết, năm 2010 người Việt đã uống hơn 200 triệu lít bia nhãn hiệu này, chỉ sau Mỹ, Pháp trong danh sách 170 thị trường trên thế giới mà dòng bia này có mặt. Ông Michel de Carvalho dự báo, đến năm 2012, Việt Nam sẽ chiếm vị trí thứ hai của Pháp để trở thành thị trường tiêu thụ quan trọng của Heineken, chỉ xếp sau Mỹ. Và khả năng đến năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia Heineken lớn nhất thế giới.

Theo ông Michel de Carvalho thì thành công của Heineken ở Việt Nam không chỉ bởi thương hiệu có từ nhiều năm mà còn có vai trò quan trọng của chiến lược kinh doanh quảng cáo. Chỉ riêng quảng cáo trên ti vi, Heineken là một trong những thương hiệu sở hữu nhiều clip quảng cáo được đánh giá cao về tính độc đáo và sự sáng tạo, nổi tiếng với slogan “Chỉ có thể là Heineken”. Dân nghiền bia Heineken Việt Nam cho biết, không thể nhớ nổi nội dung 7 clip quảng cáo của sản phẩm này nhưng slogan thì thuộc ngay từ khi Heineken đưa ra clip đầu tiên.

Tiêu chí ngắn gọn luôn được đặt lên hàng đầu của các nhãn hàng khi lựa chọn slogan sản phẩm. Không phải sản phẩm nào cũng có thể mạnh để khẳng định slogan chắc như đinh đóng cột giống như Heineken. Ông trùm của dòng sữa tươi Hà Lan đau đáu mất ba năm nghĩ solgan cho dòng sản phẩm sữa chua uống mới: “Yo! Một cảm giác rất Yomost!”. Ông Jack Castelein, Giám đốc Điều hành công ty Dutch Lady Việt Nam giai đoạn 2001 – 2006 chia sẻ “Thị trường sữa tại Việt Nam ngày càng năng động, vì thế nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm sữa ngày càng cao và tinh tế hơn. Sữa không chỉ phải đảm bảo dinh dưỡng cao, tuyệt đối an toàn, hương vị ngon miệng, bao bì đẹp mắt mà còn phải giúp người tiêu dùng thể hiện được những phong cách và cá tính riêng của mình. Chính vì thế sản phẩm sữa chua uống Yomost được ra đời từ năm 1996 với một hướng đi riêng.

Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, Trưởng phòng đối ngoại của FrieslandCampina Việt Nam cho biết thêm, slogan của dòng sản phẩm sữa chua lên men tự nhiên Yomost rất được giới trẻ ưa thích trong một thời gian dài. Từ năm 2010, mặc dù đã có slogan mới “Trong khỏe ngoài trẻ, sáng bừng sức sống”, nhưng không ít bạn trẻ thế hệ 8X vẫn nhớ tới thương hiệu này với slogan nổi tiếng “Yo! Một cảm giác rất yomost!”. Cho đến nay, sữa chua lên men tự nhiên Yomost vẫn giữ vị trí top 3 trong hàng trăm sản phẩm về sữa chua uống khác.

Trong bối cảnh cạnh tranh với cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài, dòng sản phẩm nước giải khát Dr. Thanh của Việt Nam đã thực sự làm nên tên tuổi của mình với slogan như châm ngôn: “Thanh lọc cơ thể không lo bị nóng”. Bà Uyên Phương - Giám đốc truyền thông thương hiệu Dr. Thanh chia sẻ: “Ý tưởng solgan sản phẩm chúng tôi xuất phát từ những thói quen hiện nay của thời hiện đại như: ăn đồ chiên xào, uống rượu bia... Slogan của sản phẩm đánh ngay vào tâm lý khách hàng, giúp họ không lo đến vấn đề nóng trong người”.

Cùng với dòng sản phẩm Dr. Thanh, Trà xanh O độ đã nổi lên suốt những tháng hè. “Giải nhiệt cuộc sống” là câu đầu tiên mà nhiều khách hàng nhớ tới khi dùng sản phẩm này. Đại diện nhãn hàng cho biết, slogan ngoài việc dễ nhớ thì phải thỏa mãn những yêu cầu của khách hàng. Khi họ cần dùng nước giải khát thì họ muốn nước giải khát đó như thế nào thì chúng tôi đã đáp ứng đầy đủ thông qua slogan.

< Theo Sức khỏe & An toàn thực phẩm >

Đọc thêm »

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

5 tuyệt chiêu xây dựng hình ảnh cá nhân (Self branding)

Hãy tạo ra sự khác biệt.!
Nhiều người cho rằng, việc gầy dựng thương hiệu bản thân, hay thường được hiểu là PR cho bản thân, rất quan trọng đối với sự nghiệp của họ.
Đối với một chủ doanh nghiệp, thương hiệu cá nhân tốt đồng nghĩa với việc có nhiều đối tác và cơ hội làm ăn hơn. Đối với một người bán hàng, xây dựng hình ảnh bản thân làm cho khách hàng có cái nhìn tin cậy đối với sản phẩm họ chào bán, và giúp đẩy nhanh quá trình ra quyết định mua hàng, đặc biệt là các mặt hàng cần thời gian cân nhắc lâu như dịch vụ tổ chức sự nghiệp hay máy móc công nghiệp giá trị cao. Và với nhiều người, đơn giản là cảm giác được đóng góp, hay sự ngưỡng mộ, tán thưởng từ cộng đồng đã là sự tưởng thưởng lớn lao nhất đối với họ.

1. Tham gia mạng xã hội, diễn đàn, tạo blog riêng cho mình
Đây là bước đầu tiên và đơn giản nhất mà bất cứ ai cũng có thể làm để có thể trở thành “tâm điểm” trong một cộng đồng. Chỉ cần bạn dành thời gian và có một sự đầu tư nhất định về kiến thức chuyên môn, hay xây dựng phong cách, bản sắc cá nhân, bạn có thể gây được nhiều sự chú ý, ngưỡng mộ cho những người khác.
Bạn có thể hoạt động tích cực trên một mạng xã hội nào đó như Facebook, Zing Me, Nối.. nơi mà bạn nghĩ giúp bạn định hình tốt nhất cho “phong thái” của mình. Tất nhiên hoạt động tích cực ở đây mang hàm nghĩa đóng góp một điều gì đó hữu ích cho cộng đồng, chứ không phải đơn thuần post lên những câu status nhảm, vô thưởng vô phạt hàng ngày, siêng đi comment tán chuyện với bạn bè hay chăm chỉ cày bừa game trên Facebook. Bạn có thể thành lập ra một nhóm nào đó quy tụ nhiều người cùng chí hướng, ví dụ một bạn yêu mèo lập ra Hội những người yêu mèo, và nhờ hoạt động tích cực, làm cầu nối giữa những người yêu mèo, bạn ấy trở thành “ngôi sao” trong cộng đồng những người yêu mèo.
Tương tự, bạn có thể hoạt động tích cực trên một diễn đàn nào đó, tùy thuộc vào thế mạnh và sở thích của mình. Nếu bạn am hiểu về chuyên môn nào đó, có thể tham gia các diễn đàn chuyên môn như diễn đàn tài chính, diễn đàn marketing, diễn đàn mỹ phẩm…, hoặc bạn cũng có thể gia nhập các diễn đàn phục vụ sở thích, như diễn đàn câu cá, diễn đàn nhiếp ảnh, diễn đàn xe vespa… Bằng cách hoạt động tích cực, có nhiều thảo luận và đóng góp có giá trị, bạn được đông đảo những thành viên của diễn đàn đó biết đến, và trở thành “người gây ảnh hưởng” cho một cộng đồng, thậm chí có thể định hướng được dư luận. Người làm marketing không còn lạ gì việc một số thành viên VIP có quá trình tham gia tích cực vào một diễn đàn nào đó thường được nhiều tổ chức “săn đón”, mời tham dự một số khóa học miễn phí, mời đi du lịch, mời dùng thử sản phẩm… vì họ nhìn nhận người đó như một người gây ảnh hưởng (influencer), có khả năng tác động đến khách hàng tiềm năng của họ – chính là cộng đồng nơi người đó đang tỏa sáng.
Blog cũng là một công cụ xây dựng hình ảnh bản thân rất tốt. Thông qua việc hoạt động tích cực trong chuyên môn của mình, một hot blogger dễ dàng mở rộng tầm ảnh hưởng trong một cộng đồng nào đó, được nhiều người làm marketing săn đón, thậm chí bán được nhiều quảng cáo trên blog của mình. Chẳng hạn một nữ văn sĩ trẻ lập nhiều blog để đăng tải các tác phẩm của mình, chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình trong cuộc sống  và nhận được nhiều sự tán thưởng, hâm mộ, một anh chàng IT có thể làm cho những người sử dụng blog tín nhiệm nhờ chia sẻ các bí quyết hay dành cho việc tạo lập, duy trì một blog, một phóng viên mảng Văn hóa-giải trí có thể thu hút nhiều người truy cập vào blog của mình bằng các bài hậu trường về các ngôi sao “không có báo nào có”. Có nhiều hệ thống blog cho bạn lựa chọn, ví dụ WordPress, Opera, Yahoo 306 Plus... là hệ thống blog được sử dụng rộng rãi ở cả thế giới lẫn Việt Nam, Yume.vn là hệ thống Blog Việt Nam thiên nhiều về tính giải trí có nhiều chính sách ưu đãi cho người viết blog, Motibee.com là hệ thống blog dành cho những ai muốn xây dựng hình ảnh mình trong cộng đồng dân văn phòng qua các bài viết chia sẻ về nghề nghiệp, chuyên môn…
Ngoài chuyên môn, bạn cũng có thể định hình cho mình một phong cách riêng thông qua cách viết, cách diễn đạt. Có người thì thể hiện mình là con người thâm trầm, có người tạo nên hình ảnh năng động, có người lại hấp dẫn người khác với sự hài hước, vui tươi.
2. Thường xuyên viết bài cộng tác với báo chí
Nếu bạn có khả năng viết lách, hãy tham gia cộng tác với một báo, tạp chí… thuộc lãnh vực chuyên môn hay sở trường của mình. Báo chí là tổ chức khách quan đánh giá năng lực và uy tín của bạn, cho nên việc thường xuyên cộng tác với các báo có uy tín sẽ làm cho mọi người có sự tín nhiệm nhất định đối với bạn.
3. Tư vấn, trả lời thắc mắc về chuyên môn cho cộng đồng
Một cách dễ đi vào lòng người khác là tư vấn, trả lời các thắc mắc cho cộng đồng về một lãnh vực nào đó mà bạn am hiểu. Một bác sĩ thú y đã trở thành một “ngôi sao” trên diễn đàn dành cho những người yêu thú cưng vì anh ta có thể trả lời mọi thắc mắc, lo lắng của người nuôi thú cưng về tình trạng sức khỏe của vật nuôi. Vì vậy, mỗi khi có vấn đề đối với sức khỏe của vật nuôi, người ta đều nghĩ đến việc đem nó tới phòng khám của bác sĩ đó.
Cộng đồng sẽ ghi nhận, trân trọng các đóng góp của bạn, và từ đó, bạn có khả năng gầy dựng nhiều mối quan hệ tốt, có nhiều đầu mối làm ăn… từ chính những người tín nhiệm bạn. Để có được điều này đòi hỏi bạn phải thật sự chân thành và thiện chí trong việc tư vấn cho cộng đồng, đừng tham lam việc PR quá nhiều để dẫn dắt mọi người sử dụng thứ mình đang chào bán mà xem nhẹ việc đầu tư chất lượng vào những lời khuyên, lời tư vấn, làm cho người được tư vấn có cảm giác bạn đang “dụ dỗ” họ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình hơn là đang giúp đỡ họ, chắc chắn họ sẽ cảnh giác và tẩy chay bạn.
4. Tham gia nói chuyện, đứng lớp
Nếu bạn tự tin vào kỹ năng nói chuyện trước đám đông, hãy sẵn sàng tham gia làm diễn giả, báo cáo viên trong các buổi tập huấn, hội thảo… nếu bạn được một tổ chức nào đó mời. Bạn sẽ gầy dựng được hình ảnh “chuyên gia” trong mắt nhiều người và nâng tầm ảnh hưởng của mình lên cao hơn trong cộng đồng đó.
Nếu bạn đã có uy tín nhất định trong chuyên môn, bạn có thể được mời tham gia thỉnh giảng ở một lớp học nghiệp vụ nào đó, hoặc nếu thực sự hứng thú, bạn cũng có thể thử sức bằng cách đăng ký tham gia giảng dạy ở một lớp nâng cao chuyên môn ngoài giờ. Rất nhiều doanh nhân, dù công việc rất bận rộn, vẫn cố gắng dành thời gian đi giảng vào buổi tối. Không phải là họ đi giảng dạy vì thù lao giảng viên, mà cái chính là họ có thể tạo cho mình một hình ảnh đẹp về bản thân, một sự tín nhiệm và đánh giá cao về chuyên môn thông qua chức danh “giảng viên” tại học viện nào đó.
5. Tham gia lãnh đạo các tổ chức xã hội
Qua quá trình tham gia vào nhiều tổ chức xã hội, người viết nhận thấy sẽ không khó để tham gia sáng lập hoặc lãnh đạo một tổ chức xã hội nào đó, ví dụ một nhóm tình nguyện, hay một câu lạc bộ chuyên môn phi lợi nhuận. Điều cần nhất là nhiệt huyết, tình yêu thực sự đối với tổ chức đó, công việc đó, trách nhiệm và một chút kỹ năng lãnh đạo. Việc tạo lập hoặc duy trì một tổ chức xã hội đòi hỏi nhiều cống hiến và sự nhiệt tình nhiều hơn là khả năng, bởi vì dù bạn có giỏi giang đến mấy nhưng nếu bạn chỉ xem tổ chức đó như một quán trọ, một điểm dừng chân tạm thời để phục vụ một mục đích nào đó thì bạn sẽ nhanh chóng giảm mất sự nhiệt tình khi đối diện với những khó khăn mà một tổ chức phi lợi nhuận có thể gặp phải. Ngược lại, một người luôn kiên định theo đuổi mục tiêu xây dựng thành công tổ chức, dốc thời gian, đam mê, công sức vào, nhất định sẽ làm được điều mình muốn, và nhận được sự tín nhiệm của thành viên tổ chức đó cũng như sự nhìn nhận như một người “gây ảnh hưởng” torng một cộng đồng.
Nhưng trên hết, cũng giống như xây dựng hình ảnh cho một sản phẩm, bạn cũng phải xác định được “unique selling point” của mình, tức là điểm có thể làm cho bạn khác biệt và thu hút, điểm mà người ta hình dung đến đầu tiên khi nghe nói đến bạn. Có người tự xây dựng hình ảnh mình như một chuyên gia trong lãnh vực nào đó, có người biến mình thành một phóng viên mạng đầy năng động, lại cũng có người xây dựng mình trở thành một ông bố, bà mẹ hay người chồng, người vợ lý tưởng… Hãy đảm bảo rằng tất cả những nỗ lực xây dựng hình ảnh của bạn đều nhất quán theo “unique selling point” này.
< Tác giả: Nguyễn Hạ Anh Thảo - Banhbeo's blog >
Đọc thêm »

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Marketing kiểu “chà đạp lên nhau mà sống”

Trên thị trường, mỗi sản phẩm, dịch vụ áp dụng một “chiêu” marketing riêng để nhằm gây chú ý cho khách hàng tiềm năng. Đặc biệt có một chiêu mà nhiều công ty thường hay sử dụng để lật đổ đối thủ cạnh tranh và tôn vinh mình lên, đó là khai thác triệt để các điểm yếu hay sai sót để nói xấu, hạ thấp uy tín của đối thủ nhằm gây thiệt hại về mặt hình ảnh thương hiệu và doanh số.

Về khía cạnh kinh doanh, họ có thể đạt được mục đích, nhưng về phương diện tình cảm của người dùng, họ có thể không bao giờ đạt được “cảnh giới” của Emotional Marketing (Marketing cảm xúc), và đôi khi họ còn bị gậy ông đập lưng ông bởi chính trò của mình.

Từ nói xa đến nói gần

Cách đây vài năm, trong một quảng cáo của hãng dầu gội đầu Rejoice, hãng này cho rằng nhiều sản phẩm dầu gội trên thị trường có chất nhuộm đen, có thể kiểm tra bằng cách lấy dầu gội ra lòng bàn tay rồi xả dưới nước, dầu gội sẽ trôi đi để lại một lượng chất màu đen trên bàn tay. Sau đó dầu gội này kết luận “Rejoice- không chứa chất nhuộm đen”. Không rõ quảng cáo này nhắm đến đối thủ nào, nhưng nhiều người cho rằng nó muốn “đánh” Sunsilk vì nhãn hàng này lúc đó đang quảng cáo “Sunsilk bồ kết, óng mượt như tơ”.

Lãnh vực xây dựng, thiết bị công nghiệp… có vẻ là một lãnh vực yên ắng và ít có những chiến dịch marketing quy mô lớn nhưng sự đấu đá vẫn không ngừng tồn tại. Ông Bùi Khắc Hào, giám đốc công ty TNHH TM XD CN Nhật Hoa – một nhà nhập khẩu sàn vinyl và sàn nâng cho các công trình xây dựng cho biết: Có một đối thủ cạnh tranh đã thực hiện hản một chiến dịch bêu xấu công ty ông. Họ tìm cách mua được mẫu sản phẩm từ công ty, đem đi giám định chất lượng rồi thiết kế, in ấn ra hàng loạt tờ rơi thông báo rằng sản phẩm của Nhật Hoa không đạt chất lượng. Tờ rơi này được gởi hay email đến hầu hết khách hàng là các công ty thiết kế, xây dựng, các nhà thầu… mà hai bên đang tranh giành nhằm họa thấp uy tín các sản phẩm của công ty, sau đó họ xuất hiện và chào bán sản phẩm “đạt chất lượng” của mình.

Nhưng lãnh địa có nhiều cuộc chiến bôi nhọ đối thủ nhất có lẽ là thực phẩm vì tiềm ẩn nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến sức khỏe.

Trong lãnh vực sữa, có một hãng sữa được người tiêu dùng bầu chọn là “chuyên gia thọc gậy bánh xe”. Năm 2004, Thanh tra Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Công ty Abbott Laboratories, không được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc in tờ rơi… cho rằng “các sản phẩm thay thế sữa mẹ có chứa dầu cọ có thể gây giảm khoáng hóa xương ở trẻ nhũ nhi (trẻ dưới 12 tháng tuổi)” kết thúc khoảng thời gian dài ầm ĩ xung quanh scandal “dầu cọ”. Nguồn cơn của vụ việc ầm ĩ này là việc một số báo phụ nữ, sức khỏe đăng tải các bài viết của một số bác sĩ dựa theo một nghiên cứu nào đó, cho rằng dầu cọ “có thể gây giảm khoáng hóa xương ở trẻ nhũ nhi “. Xuất hiện đồng thời ở nhiều báo, đài, tờ rơi… việc này gây hoang mang cho nhiều người tiêu dùng có con nhỏ vì nó ám chỉ hầu hết các sản phẩm sữa đang có trên thị trường. Sau đó, sữa Abbott xuất hiện như một vị cứu tinh, thông báo khắp nơi là sữa của mình không có chứa dầu cọ.

Lùi về quá khứ một chút, vào năm 2002 một vụ việc được châm ngòi bởi báo “Người Lao Động” sau đó gây xôn xao trên các báo khác, là việc bài báo phản ánh lại “phát hiện” của một số ông bố bà mẹ: Họ khám phá ra tỷ lệ axit folic cao bất thường chứa trong sữa Enfa Grow. Sau đó các báo khác bắt đầu ăn theo bằng cách phân tích các tác hại của việc thừa axit folic với sự chấp bút của các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam. Các bà mẹ bắt đầu lo lắng về việc này và từ “axit folic” ám ảnh họ một thời gian. Sau đó sữa Abbott xuất hiện các PrintAd, Advertorial và TVC khẳng định mình có một tỷ lệ axit folic cực kỳ hợp lý. Như vậy những người dùng tinh ý bắt đầu nhận ra ai là đạo diễn cánh gà vụ này, sau đó sữa Enfa Grow chứng minh được việc có tỷ lệ axit folic cao như vậy chỉ là do in sai nhãn hàng hóa nhưng uy tín cũng bị giảm sút ít nhiều và nhiều khách hàng bắt đầu chuyển qua dùng sản phẩm sữa khác.

Thời đại Internet và Social Media ngày càng phát triển, các chiêu cạnh tranh lại càng biến hóa vô song, nhiều công ty dựng hẳn những chiến dịch bôi nhọ đối thủ rất hầm hố trên các diễn đàn, mạng xã hội… Năm 2009, một sự việc được cho là có một hãng cạnh tranh nào đó đứng phía sau, là sự kiện một thành viên diễn đàn webtretho.com đưa lên diễn đàn một đề tài rằng chị ta đem sản phẩm sữa Enfagrow A+ đến viện Pasteur xét nghiệm và nhận ra các thành phần ghi trên hộp sữa không đúng như thực tế. Sự việc thu hút đến hơn 1000 bình luận của các bà mẹ khác trên diễn đàn. Cũng phải mất thời gian khá lâu hãng Mead Johnson (công ty sở hữu nhãn Enfagrow) mới phát hiện ra vấn đề nhưng lúc này nó đã đi quá xa. Thay vì tìm cách đính chính để dập tắt khủng hoảng, thì hãng này đi kiện người đã tung tin này. Nhiều người tiêu dùng phẫn nộ vì cho rằng Mead Johnson đã chống lại người tiêu dùng, và như dân gian nói “được vạ thì má đã sưng”, bất kể thắng kiện hay thua kiện thì Mead Johnson đã bị thiệt hại đáng kể vì cách xử lý không khéo léo.

Một đại gia nữa được điểm mặt là đã áp dụng thành công binh pháp Tôn Tử “Lạc tỉnh hạ thạch” tức là ném đá vào đầu kẻ đã rơi xuống giếng, chính là công ty Masan, được biết đến với thương hiệu Chinsu Food.

Cách đây vài năm, dư luận dậy sóng về vụ nước tương nhiễm M3CP, hàng loạt sản phẩm trên thị trường được cơ quan chức năng phát hiện là có chứa nồng độ cao chất gây ung thư này. Giữa lúc người tiêu dùng hoang mang cực độ, nước tương Chinsu xuất hiện trên các kệ hàng, khẳng định chắc nịch là mình không có M3CP, người mua hồ hởi rước Chinsu về dùng.

Sau đó đến việc ầm ĩ của U rê trong nước mắm gây thiệt hại cho hầu hết các hãng nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống, dọn đường cho sự xuất hiện ngoạn mục của nước mắm Nam Ngư “không chứa U rê” cũng của hãng này.

Rồi khi Masan xuất hiện sản phẩm mì Tiến Vua, thông qua quảng cáo báo chí, truyền hình, activation tại điểm bán…, người tiêu dùng được giáo dục một suy nghĩ mới “Những loại mì có màu vàng sậm là do dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, có hại cho sức khỏe”, những người kỹ lưỡng với vấn đề sức khỏe lập tức tin dùng Tiến Vua vì được giới thiệu là “Sợi mì vàng óng do không dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần”.

Thắng lợi là vậy nhưng hãng này vẫn ngứa mắt khi một số loại mì sậm màu vẫn bán chạy. Trong chiến dịch marketing mới nhất, hãng này tiếp tục tung đòn để lăng xê sản phẩm mới là mì Tiến Vua bò cải chua bằng cách trình chiếu một thí nghiệm cho thấy mì nào mà khi chế nước sôi vào nước chuyển màu vàng sậm là có chứa phẩm màu gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Như vậy người tiêu dùng khi xem đoạn quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua của Masan, sẽ nhận được thông điệp hễ mì màu đậm là có chất độc hại, và màu nhạt mới tốt


Chơi dao đứt tay

Công bằng mà nói, cách định vị thương hiệu là “an toàn cho sức khỏe” của Chinsufood thật sự là rất tốt và tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong thời buổi mà việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nổi cộm trong xã hội. Tuy nhiên cách làm có phần hung hăng của Chinsufood cũng có thể “phản đòn” chính khổ chủ.

Đầu tiên là việc hãng mì có sợi màu vàng sậm Acecook Việt Nam chính thức có văn bản khiếu nại lên Cục quản lý cạnh tranh về việc clip quảng cáo của Masan với sản phẩm mì Tiến Vua bò cải chua đưa thông tin gây nhầm lẫn về chất lượng và yêu cầu ngừng truyền thông. Không chịu kém miếng, Masan cũng có văn bản khiếu nại Acecook Việt Nam về hành vi “gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác”.

Trong cuộc chiến mì gói này, qua các bình luận bên dưới các bài báo và trên các diễn đàn, có vẻ người tiêu dùng đứng về phía Vina Acecook vì cho rằng Masan “cạnh tranh không lành mạnh”. Đơn cử như một người dùng phát biểu: ” Quảng cáo kiểu chơi xấu như vậy thì ai mà chấp nhận được, cứ làm như ai mà ăn đồ của hãng Chinsu Food là không bị chết, còn ăn của các hãng khác là chết hết không bằng!”

Sự việc vẫn chưa ngã ngũ thì một bài viết gần đây trên VnExpress lại chỉ ra các sản phẩm cũ của Masan ngoài Tiến Vua Bò cải chua mới ra mắt vẫn dùng E102 – chất mà công ty này gọi là phẩm màu độc hại nên không đưa vào sản phẩm mới Mì Tiến Vua bò cải chua. Cụ thể là mì Tiến Vua (loại cũ) và mì Omachivẫn ghi thành phần trên bao bì có chứa E102. Vụ tiền hậu bất nhất này, cuối cùng được mọi người kết luận rằng Masan đang “tự tay bóp dái” mình.

Một ví dụ khác cho việc gậy ông đập lưng ông là khi hạt nêm Knorr đảm đang tự quảng cáo mình là “tự nhiên hơn bột ngọt”, một cách nói lập lờ nhằm hạ bệ các sản phẩm bột ngọt để độc chiếm vị trí trên kệ gia vị của các bà nội trợ. Tuy nhiên sau đó báo chí phát hiện ra sản phẩm này có đến 30% thành phần là bột ngọt, được biết đến qua tên gọi “chất điều vị” ngay trên bao bì. Nhiều người tiêu dùng cảm thấy sụp đổ vì họ đã tin tưởng dùng Knorr đảm đang như một sản phẩm thay thế bột ngọt- vốn bị e ngại là gây ảnh hưởng cho sức khỏe, trước việc này họ có tâm lý tẩy chay không muốn mua Knorr nữa. Sự việc khép lại với việc Unilever phải đưa ra một số đính chính để lấy lại tình cảm người dùng và chỉnh sửa lại một số nội dung trên bao bì sản phẩm. Nhưng các chuyên gia marketing đánh giá sự cố này “gây sụp đổ cả một chiến dịch”

Hạ bệ đối thủ cạnh tranh có thể là làm ngắn con đường để đi đến thành công trong việc xây dựng thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên không phải khách hàng tiềm năng nào cũng dễ bị qua mặt, và họ sẽ lên tiếng chỉ trích hành vi này. Nhiều công ty sử dụng báo đài như một công cụ để tung đòn triệt hạ đối thủ, nhưng cuối cùng họ không ngờ rằng có những báo đài khác “ngoài tầm kiểm soát” đứng lên chống lại họ. Đó là chưa kể vai trò ngày càng mạnh mẽ của các website, diễn đàn, mạng xã hội cho phép người dùng có được tiếng nói đa chiều để kiểm chứng sự đúng – sai của vấn đề. Bởi vậy đôi khi mũi tên bắn ra lại quay ngược về phía họ và làm giảm sút đáng kể uy tín của người đã tạo ra cuộc chơi đó. Câu châm ngôn “Ngậm máu phun người, bẩn miệng mình trước” xem ra khá đúng với những trường hợp này.
< Nguồn: Banhbeo's blog >
Đọc thêm »